Bạn biết chưa: Thủ tục sở hữu nhà đất hợp pháp năm 2017

Như Ngô—homify Như Ngô—homify
Дача 180м2, Tatiana Ivanova Design Tatiana Ivanova Design Log cabin
Loading admin actions …

Mỗi người trong chúng ta luôn có nhiều mối quan hệ trong suốt cuộc đời mình, nhưng có những mối quan hệ đặc biệt bắt buộc chúng ta phải làm thủ tục đàng hoàng, vì nó cần được xã hội công nhận. Điển hình như khi cưới ai đó, bạn cần đăng ký kết hôn, muốn được công nhận quan hệ gia đình, phải có giấy khai sinh, sổ hộ khẩu. 

Và, nhà cũng thế, mối quan hệ giữa bạn và tổ ấm không phải chỉ đơn giản bỏ tiền ra là có được, nó cũng cần được xã hội, nhà nước công nhận. Nhưng phải làm thủ tục thế nào, trình tự ra sao mới đúng? Hôm nay, homify sẽ hướng dẫn bạn các thủ tục cần thiết khi mua đất, mua nhà, thuê nhà hợp pháp trong năm 2017.

1. Thủ tục cần thiết khi mua đất

Để tìm được một ngôi nhà hay một mảnh đất ưng ý đôi khi thật khó khăn, một khi đã tìm được rồi bạn đừng để nó vụt mất chỉ vì sự thiếu xót trong việc làm thủ tục nhé. Vậy các thủ tục đó là gì?

Nếu đã nắm vững các thủ tục này, các bạn có thể xem tiếp 22 mẫu nhà rất đẹp dành cho người sắp xây ngôi nhà đầu tiên trong đời hay Xây nhà trệt 1 tầng diện tích 110 m2 đơn giản mà đẹp.

a) Những giấy tờ cần chuẩn bị :

- Bên bán: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất. Trường hợp bán một phần nhà đất thì cần có thêm các giấy tờ sau: Công văn của Văn phòng Đăng ký Đất và Nhà hoặc Phòng Tài nguyên; Môi trường Hồ sơ kỹ thuật thửa đất; Hồ sơ hiện trạng nhà; Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của bên bán (cả vợ và chồng); Sổ Hộ khẩu của bên bán (cả vợ và chồng); Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của bên bán.

Lưu ý nhỏ: trong trường hợp bên bán gồm một người cần bổ sung thêm các giấy tờ sau: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu từ trước tới nay sống độc thân); Giấy ly hôn + Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu đã ly hôn); Giấy chứng tử của vợ hoặc chồng + Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu vợ hoặc chồng đã chết trước khi có tài sản); Giấy tờ chứng minh tài sản riêng do được tặng cho riêng, do được thừa kế riêng hoặc có thoả thuận hay bản án phân chia tài sản (Hợp đồng tặng cho, văn bản khai nhận thừa kế, thoả thuận phân chia, bản án phân chia tài sản); Hợp đồng uỷ quyền bán (Nếu có).

- Bên mua: Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của bên mua (cả vợ và chồng nếu bên mua là hai vợ chồng); Sổ hộ khẩu của bên mua (cả vợ và chồng); Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của bên mua; Phiếu yêu cầu công chứng + tờ khai Hợp đồng uỷ quyền mua (Nếu có).

b) Thủ tục công chứng tại Văn phòng Công Chứng:

- Bước 1: Người yêu cầu công chứng tập hợp đủ các giấy tờ theo hướng dẫn rồi nộp tại phòng tiếp nhận hồ sơ (Bản photo và bản gốc để đối chiếu); Hồ sơ photo có thể nộp trực tiếp, Gửi Fax, Email

- Bước 2: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra hồ sơ đã nhận và các điều kiện công chứng, nếu thấy đủ điều kiện thì sẽ nhận hồ sơ, nếu thiếu sẽ yêu cầu bổ sung hoặc từ chối tiếp nhận nếu không đủ điều kiện công chứng theo Luật định.

- Bước 3: Ngay sau khi đã nhận đủ hồ sơ, bộ phận nghiệp vụ sẽ tiến hành soạn thảo hợp đồng giao dịch. Hợp đồng, giao dịch sau khi soạn thảo sẽ được chuyển sang bộ phận thẩm định nội dung, thẩm định kỹ thuật để rà soát lại, và chuyển cho các bên đọc lại.

- Bước 4: Các bên sau khi đã đọc lại, nếu không có yêu cầu chỉnh sửa gì sẽ ký/điểm chỉ vào từng trang của hợp đồng (theo hướng dẫn). Công chứng viên sẽ ký sau đó để chuyển sang bộ phận đóng dấu, lưu hồ sơ và trả hồ sơ.

- Bước 5: Người yêu cầu công chứng hoặc một trong các bên  nộp lệ phí, thù lao công chứng, nhận các bản hợp đồng, giao dịch đã được công chứng tại Phòng trả hồ sơ.

c) Những trường hợp được Văn phòng công chứng hướng dẫn trực tiếp:

Đất thuộc hộ gia đình.

- Đất không thuộc dạng đất ở có thời hạn sử dụng lâu dài 

- Có người dưới 18 

- Có yếu tố nước ngoài 

- Có liên quan đến thừa kế 

- Bên bán bên mua là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế

2. Thủ tục công chứng, mua bán nhà

a) Những giấy tờ cần chuẩn bị :

- Bên bán: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (hay gọi là “sổ đỏ” hoặc giấy tờ tương đương); Giấy tờ về nhân thân của bên bán gồm giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn (hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân).

Lưu ý nhỏ: giấy tờ về nhân thân của bên bán phải bao gồm tất cả giấy tờ của tất cả những người có liên quan đến tài sản thường gồm cả hai vợ chồng. 

- Bên mua: Giấy tờ về nhân thân; Giấy chứng minh nhân dân; Sổ hộ khẩu.

b) Thủ tục công chứng:

- Bước 1: Hai bên tiến hành thủ tục chuyển nhượng tại cơ quan công chứng ở thàn h phố, hoặc tại Văn phòng Công chứng, hay Phòng Công chứng. Làm theo hướng dẫn của cơ quan đó và được cơ quan đó xác nhận cho hợp đồng chuyển nhà ở.

- Bước 2: Sau khi xác nhận xong ở cơ quan công chứng thì người mua được quyền nhận các giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển nhượng đã có xác nhận, giấy tờ về nhân thân bên bán.

- Bước 3: Sau đó bên mua mang các giấy tờ trên liên hệ với phòng một cửa của UBND huyện nơi có căn nhà để làm thủ tục sang tên (hoặc cấp giấy) giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở.

3. Mức thuế áp dụng cho mua nhà, mua đất

Sau khi hoàn tất các thủ tục giấy tờ tại Văn phòng Công chứng, bạn đừng quên nhiệm vụ cuối cùng là nộp thuế và một số lệ phí bắt buộc nhé. Cụ thể như sau :

Điều 22, Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định người phát sinh thu nhập (tức người bán) phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng BĐS là 25% đối với thu nhập tính thuế (tức thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở). 

Trường hợp không xác định được giá vốn và các chi phí liên quan làm cơ sở xác định thu nhập tính thuế thì áp dụng thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng. 

Theo Khoản 2, Điều 1, Nghị định số 80/2008/NĐ-CP ngày 29/7/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 176/1999/NĐ-CP ngày 21/12/1999 và Nghị định 47/2003/NĐ-CP ngày 12/12/2003 của Chính phủ về lệ phí trước bạ của Chính phủ, người mua nhà phải nộp lệ phí trước bạ nhà đất với tỷ lệ 0,5% giá trị của nhà, đất.

4. Thủ tục cần thiết để thuê nhà

Trong cuộc sống, vì nhiều lý do mà bạn có thể chọn đi thuê nhà trọ. Có lẽ do thủ tục đơn giản, nên việc cho thuê nhà cũng trở nên nở rộ trong những năm gần đây. Nếu bạn vẫn chưa sẵn sàng để “tậu” một ngôi nhà xinh cho riêng mình mà đang quyết định sống trong nhà thuê, hãy nhớ những thủ tục cần thiết sau đây để đừng bị vướng vào những rắc rối không cần thiết nhé.

a) Những giấy tờ cần thiết :

- Bên thuê nhà: Bản khai nhân khẩu; Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; Giấy đăng ký tạm trú phải có ý kiến đồng ý cho đăng ký tạm trú của người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ tại phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm; Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đăng ký thường trú.

- Bên cho thuê: Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, văn bản; Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc; Hộ chiếu; bản sao giấy tờ chứng minh thẩm quyền của người đại diện (nếu là người đại diện); Bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp theo quy định của Nghị định số 60/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ; bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được cấp theo quy định của pháp luật về nhà ở; bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Hợp đồng (trường hợp tự soạn thảo sẵn). Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có. Bản sao nêu trên là bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải có chứng thực. Khi nộp bản sao thì  phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

b) Trình tự thủ tục:

- Bước 1: Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ yêu cầu công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.

- Bước 2:

Trường hợp nội dung, ý định giao kết hợp đồng là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì công chứng viên soạn thảo hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng được soạn thảo sẵn, công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng; nếu trong dự thảo hợp đồng có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng không phù hợp với thực tế thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

c) Thuế: Theo quy định mới nhất về lĩnh vực thuế, nếu tiền cho thuê hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì chủ nhà không phải chịu thuế giá trị gia tăng; còn tiền cho thuê hàng năm từ 100 triệu trở lên thì người cho thuê nhà chính chủ phải nộp các loại thuế sau:

Thuế môn bài: phụ thuộc vào thời gian ký hợp đồng thuê nhà

+ Nếu là 6 tháng đầu năm: 1 triệu đồng/ năm

+ Nếu là 6 tháng cuối năm (từ ngày 1/7): chỉ nộp 500 ngàn đồng Thuế giá trị gia tăng: số tiền thuế phải nộp = doanh thu x 5% Thuế thu nhập cá nhân:

Số tiền thuế phải nộp = [(Doanh thu x 30%) – Các khoản giảm trừ] x thuế suất (%)

5. Bí quyết tránh lừa đảo trong việc mua, bán, thuê nhà

Hãy khởi đầu cuộc sống mới trong ngôi nhà, mảnh đất mới mua bằng sự ấm áp và yên bình, để làm được điều này, bạn cần tránh những tranh chấp không đáng có và đặc biệt những vụ lừa đảo làm thiệt hại tiền của. Bạn đừng ngần ngại mà ghi nhớ những mách nước nho nhỏ sau, để không bị vướng vào cái bẫy của những kẻ lừa đảo cũng như không lo xảy ra bất kì tranh chấp nào nhé.

a) Xác minh các thông tin liên quan về người bán nhà đất, giấy tờ sở hữu cấp năm nào, diện tích, vị trí, cũng như uy tín văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Khi mua đất, bạn phải đến tận nơi để đích thân quan sát.  

b) Hỏi dò thái độ của người bán. Vì những năm gần đây có nhiều trường hợp chồng muốn bán mà vợ thì không nên chồng đã giấu vợ bán đất và lấy giả chữ ký của vợ. Nếu bạn không biết điều đó và tiến hành thực hiện giao dịch mua bán nhà đất thì sau này dễ xảy ra tranh chấp.  

c) Chỉ ký kết vào bản hợp đồng chuyển nhượng đất phải có chữ ký của cả hai vợ chồng nếu chủ nhà đã có gia đình. Ngoài ra, trong đó cần có sự đồng ý của tất cả các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu với độ tuổi trên 18 tuổi. Nếu đụng phải trường hợp mảnh đất được thừa kế bởi nhiều người thì khi thực hiện hợp đồng mua bán cần có sự chấp thuận của tất cả các thành viên được thừa kế để tránh việc tranh chấp sau này.  

d) Hỏi dò thông tin chủ nhà, lý do vì sao bán nhà qua một số người hàng xóm quanh đó để xem người chủ nhà có phải là chủ nhà thật không, giấy tờ là thật hay giả. Đây là cách tránh bị lừa khi mua đất được nhiều người áp dụng.  

e) Còn nếu bạn mua nhà đất bằng hợp đồng ủy quyền thì người mua có thể liên hệ với tổ chức hành nghề công chứng để xác định lại một lần nữa tính hợp của hợp đồng, sau đó mới quyết định có nên giao dịch hay không.

Dù bạn lựa chọn mua nhà, mua đất hay thuê nhà, bạn đừng quên hãy xác minh mối quan hệ này bằng việc thực hiện các thủ tục pháp lý. Homify hy vọng những thông tin cung cấp  trong bài sẽ giúp bạn tiến hành thủ tục suôn sẻ và trên hết là tránh được những tranh chấp về sau.

Ngoài ra, để xây dựng tổ ấm trong mơ cho bạn, homify còn mang đến hàng loạt các sổ tay ý tưởng tuyệt vời để Xây nhà tiết kiệm hơn khi áp dụng 10 lưu ý sau, hay Trang trí tường nhà: 19 cách vừa đẹp vừa tiết kiệm. Hãy tiếp tục theo dõi homify để biết thêm những thông tin hữu ích cho ngôi nhà thân yêu, bạn nhé!

Need help with your home project?
Get in touch!

Highlights from our magazine